Phủ Quảng Cung Yên Đồng, Ý Yên

Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp) thuộc xã Yên Đồng, Ý Yên, tỉnh Nam Định. Phủ Quảng Cung là một trong những trung tâm của Đạo Mẫu Việt Nam thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ nhất.

Đây là một quần thể "Di tích lịch sử văn hóa quốc gia" đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng vào ngày 11/4/2013 và UBND tỉnh Nam Định xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2005.

Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Quảng Cung đã được đón nhận Bằng bảo trợ di sản của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam vào ngày 6/4/2011.

Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Quảng Cung hiện nay bao gồm: Phủ chính thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại thôn Tiến Thắng (xưa gọi là Quảng Nạp), Phủ Đồi (Kim Thoa Linh Từ) nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh ngự lúc cuối đời, Phủ La Ngạn (Đại La Tiên Từ) thờ Mẫu và Phụ Thân, Mẫu Thân của Mẫu ở trần gian, khu quần thể di tích Phủ Chùa Nhuế thờ Mẫu, Nhà thờ tổ họ Đoàn nơi quê ngoại Mẫu Thân của Mẫu Liễu Hạnh ở trần gian, khu quần thể di tích Đền Đáy (Đền Thủy Phủ) tại thôn Nam Đồng thuộc địa phận xã Yên Đồng, Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Lễ hội Phủ Quảng Cung được tổ chức từ ngày mùng 1 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch.

Theo "Vân Hương Thánh Mẫu tam thế giáng sinh sự tích: "Thánh Mẫu Liễu Hạnh" giáng sinh lần thứ nhất vào đêm mùng 6 tháng 3 năm Giáp Dần (1434) thời Lê Thái Tông, hoá thân đêm mùng 2 tháng 3 năm Quý Tỵ (1473) thời Hồng Đức thứ tư tại ấp Quảng Nạp, tổng Vỉ Nhuế, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, (Nam Định).

Bà giáng sinh lần thứ hai vào năm Đinh Tỵ (1557) và hoá ngày mùng 3 tháng 3 năm Đinh Sửu (1577) tại thôn Vân Cát, xã An Thái, huyện Thiên Bản (nay là xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định). Nhân dân lập đền thờ Thánh Mẫu tại đây gọi là Phủ Giầy. Lần thứ ba, bà giáng sinh vào ngày 10 tháng 10 Kỷ Sửu (1609) tại đất Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, Thanh Hoá và hoá ngày 23 tháng 12 năm Bính Ngọ (1626), nhân dân lập đền thờ Thánh Mẫu tại phủ Sòng Sơn-Thanh Hoá, nay là Đền Sòng Sơn, Bỉm Sơn, Thanh Hoá.

Phủ Quảng Cung còn gọi là Phủ Nấp thuộc thôn Tiến Thắng, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên (Nam Định) được xây dựng trên nền nhà sinh ra Thánh Mẫu Liễu Hạnh ngay sau khi bà mất. Phủ được tu sửa nhiều lần, đến năm Duy Tân thứ năm (1911) được tôn tạo to đẹp và trang nghiêm. Trong Phủ vẫn còn đôi câu đối ghi lại dấu ấn này: "Hồng Đức tứ niên sơ lập miếu/ Duy Tân ngũ tuế sửa linh từ". Do tác động của thiên nhiên, giặc dã và chiến tranh, Phủ bị xuống cấp. Năm 1994, Phủ Quảng Cung được phục dựng lại trên nền đất phủ xưa bằng nguồn kinh phí của tỉnh, huyện, xã và sự tri ân công đức của nhân dân địa phương cùng quý khách thập phương.

Hiện nay trong phủ còn giữ lại được nhiều đồ tế tự tiêu biểu: Tượng Mẫu Phạm Thị Tiên Nga bằng đồng với tư thế ngồi thiền trên toà sen, bát hương bằng đồng, thân chạm lưỡng long chầu nguyệt mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê và khắc chữ Hán Quảng Cung linh từ; 34 bản khắc gỗ có nội dung của 64 quẻ thẻ, một hiện vật quý hiếm và một số bia đá, sắc phong hoành phi, câu đối ghi dấu sự tích và ca ngợi công đức của Mẫu từ lâu đời. Hằng năm, vào đầu tháng 3 âm lịch, năm thôn Vỉ Nhuế (Nấp, Tràn, Vọng, Gon, Nhuế), Đồi, và La Ngạn tổ chức lễ hội. Theo "Quảng Cung linh từ phả ký" do tiến sĩ Vũ Quang Trác phụng soạn năm 1781 thì từ năm 1740 cứ đến ngày kị của bà thì quan phủ Nghĩa Hưng dâng lên bề trên đã về tế lễ ở Phủ Quảng Cung.

Ngày nay, lễ hội Quảng Cung được tổ chức từ ngày mùng 1 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch. Đặc biệt, ngày mùng 4 có lễ rước kinh lấy nước, đêm mùng 4 có lễ tế nến. Đây là nét độc đáo của Phủ Quảng Cung vừa mang tính lễ nghi truyền thống, vừa mang tính nghệ thuật hấp dẫn trong sinh hoạt văn hoá tâm linh của cộng đồng, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.